• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) buổi đầu thành lập chỉ 7 có thành viên, với dịch vụ phun thuốc, thu hoạch lúa, thì đến nay, tổ đã có 15 thành viên với nhiều dịch vụ mới: Cưa cây, phát cỏ, hàn tiền chế, chụp ảnh… Mô hình không những tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương mà còn góp phần đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Hội.

Vừa hàn và sơn xong hơn 20 cột cờ bằng sắt, anh Trần Minh Tân - tổ viên Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ nhanh chóng thu dọn dụng cụ bỏ lên xe tiếp tục đi hàn khung nhà tiền chế khác ở trong ấp. Cũng như anh Tân, các tổ viên khác trong tổ có công việc đều đều, xoay vòng với nhiều dịch vụ khác nhau. Tổ viên có tay nghề ở công việc nào sẽ hướng dẫn cho các tổ viên còn lại để mỗi tổ viên đều thành thạo vài dịch vụ, từ đó có nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Trước đây khi chưa có Tổ hợp tác, phần lớn thanh niên đi làm ăn xa, khó tập hợp sinh hoạt trong tổ chức Hội. Trong khi đó, trên địa bàn cần lao động thu hoạch lúa, bón phân - thuốc… Đồng chí Huỳnh Văn Tửng - Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ cho biết: “Nắm được nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương, năm 2019, tôi tập hợp một số thanh niên trong ấp thành lập tổ hợp tác vụ nông nghiệp. Chúng tôi giới thiệu dịch vụ của tổ đến từng nhà và đăng thông tin rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Dần dần nhiều người biết đến và chúng tôi có nhiều việc hơn, thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tổ sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trong các buổi sinh hoạt, tổ viên báo cáo tình hình hoạt động trong tháng và trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghề. Đồng thời, tổ viên còn được tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật… nâng cao nhận thức, từ đó tích cực tham gia các phong trào tại địa phương”. 

 Trước đây, anh Nguyễn Hoàng Giang - tổ viên Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ từng rời địa phương đi làm ăn xa, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Khi trở về địa phương, được vận động anh Giang tham gia Tổ hợp tác. Ban đầu, anh Giang chỉ nhận phun thuốc, phát cỏ. Về sau, anh Giang các tổ viên trong tổ dạy nghề hàn, cưa cây. Có thêm việc làm, giờ đây cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định hơn.      Để tham gia tổ hợp tác, anh Giang trang bị một số máy móc: Máy cắt cỏ, máy cưa cây, máy phun thuốc… tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, các thiết bị, máy móc của anh Giang cũng xuống cấp nhiều. Anh Giang chia sẻ: “Vào tổ hợp tác, tôi có việc làm ổn định, gia đình đỡ khó khăn hơn. Giờ đây, nhiều người biết đến dịch vụ của tổ, công việc ngày càng nhiều hơn. Tôi và các anh em trong tổ hợp tác đều mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để nâng cấp máy móc, thiết bị tốt hơn để làm nghề, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Tiếng lành đồn xa, giờ đây, Tổ hợp tác còn nhận việc ở các ấp, xã lân cận. Tổ viên có việc làm ổn định hơn. Đồng chí Hồ Thị Hồng Nhiên - Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Vĩnh Phong cho biết: “Công tác xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên nhằm đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức là việc làm trọng tâm. Từ những mô hình kinh tế, tổ hợp tác giúp thanh niên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ là một mô hình điển hình của xã. Tổ hoạt động khá hiệu quả, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương, vừa góp phần đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức Hội. Ủy ban Hội xã sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổ viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình”.

Tú Anh
Số lần đọc: 350

Tin liên quan