• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
TTKG - Nhắc đến đại úy Trần Văn Khánh (34 tuổi, quê Vĩnh Long), “chú bộ đội” của đại đội kho vũ khí - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang), bà con ở ấp Cỏ Khía và các ấp lân cận thuộc xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang ai cũng biết.

Đại úy Trần Văn Khánh thăm đàn heo của bà Thị Mỹ Lệ - Ảnh: TẤN ĐỨC

Phần vì anh rất vui vẻ, gần gũi, phần vì anh là người đã tự trích tiền lương để giúp dân bằng mô hình “Hỗ trợ con giống cho bà con nghèo”.

Đại úy Khánh cho biết ở ấp Cỏ Khía, người dân là đồng bào Khmer chiếm đến 98% và bà con quanh đây phần lớn đều khó khăn. Nhiều gia đình đông con mà thu nhập chỉ trông vào vài công lúa, mỗi năm một vụ thu hoạch. Nhiều hộ không tấc đất, phải đi làm mướn quanh năm.

“Làm sao để cuộc sống bà con bớt khổ, bà con cần cái cần để tự câu lấy cơm?...” - đại úy Khánh luôn trăn trở. Sau nhiều lần xuống tận nhà dân tìm hiểu, anh quyết định hỗ trợ dân nuôi heo.

Gia đình ông Danh Bình (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Ngã Con) là người “hoàn cảnh” nhất: không ruộng đất, ông lê la làm mướn khắp vùng, vợ đau ốm liên miên, con cái phải lên Sài Gòn làm công nhân.

Tháng 7-2014, anh Khánh trích 3,6 triệu đồng từ tiền lương rồi lên tận huyện lựa cho ông Danh Bình ba con heo giống. Anh đưa thêm 1 triệu đồng để mua thức ăn cho heo.

“Lúc đấy tui là trai chưa vợ nhưng có lương là ráng chắt bóp, đâu dám chi tiêu lung tung” - anh Khánh cười nói.

Gần nửa năm sau, ông Bình bán hai con heo đực được hơn 8 triệu đồng. Con cái giữ lại chưa đầy năm đã sinh được bầy heo con. Lúc này anh Khánh lại bắt hai con heo từ lứa heo này để giao cho hộ dân khác nuôi. Lần này hộ nhận cặp heo là gia đình bà Thị Mỹ Lệ (ấp Cỏ Khía).

Đến nay, bà Lệ cũng đã bán con heo đực được hơn 3 triệu đồng và giữ lại con cái. Bằng cách sẻ chia như vậy, người đi trước giúp người đi sau và tự gầy dựng đàn heo của mình. Như hộ ông Danh Bình đến nay đã có ba lứa heo với đàn heo 26 con, chuẩn bị có thêm lứa heo mới.

“Được mấy chú cho cặp heo, tui mừng dữ lắm. Lúc nuôi mấy chú cũng xuống phụ sửa lại chuồng trại. Tui cũng ráng siêng đi cắt rau, nấu cháo cho heo ăn để mau lớn. Thuận lợi cuối năm có bầy heo mới để chia cho người tiếp theo” - bà Lệ nói.

Từ mô hình cá nhân này của đại úy Khánh, cấp trên đang nghiên cứu áp dụng ở quy mô tập thể để có số vốn lớn hơn, hỗ trợ được nhiều bà con hơn.

Đại tá Danh Ba, phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, đánh giá cao mô hình giúp dân thoát nghèo này của đại úy Trần Văn Khánh, làm thân thiết hơn mối tình quân và dân.

Đặc biệt, theo thiếu tá Nguyễn Thanh Hiền - đại đội trưởng đại đội kho vũ khí, từ việc giúp đỡ dân, gắn bó để dân tin yêu bộ đội thì chính họ - những người dân - tạo thành vành đai an toàn xung quanh đơn vị, hỗ trợ bộ đội trong những trường hợp cụ thể.

Theo TTO/ĐX
Số lần đọc: 24020

Tin liên quan